1. Đừng áp đặt trẻ
Dậy thì là thời gian chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn, là giai đoạn có những biến đổi quan trọng về thể chất và tâm lý. Những áp lực bài vở, quan hệ bạn bè khiến các em dễ rơi vào trạng thái stress, bướng bỉnh, cáu gắt… vì các em cảm thấy những người thân xung quanh không hiểu những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của mình.Giai đoạn này, nếu áp đặt con cái sẽ khiến các em trở thành những người ích kỉ, cáu gắt và bướng bỉnh. Thay vì áp đặt bắt trẻ phải làm những điều mà chúng không muốn, các bậc cha mẹ nên chia sẻ, dành nhiều thời gian tâm sự với các em để tìm hiểu xem trẻ thích gì, muốn gì?
Ví dụ: Khi trẻ nhuộm tóc xanh đỏ, hay xăm một hình xăm, đừng vội mắng mỏ trẻ theo kiểu “Ai cho phép con làm như vậy? Nếu mai con không đi sửa thì đừng trách bố (mẹ) không báo trước”. Với thái độ của cha mẹ như vậy, trẻ có thể còn làm điều chướng tai gai mắt hơn.
2. Kiên trì
Trước tiên, cha mẹ phải là tấm gương về tính kiên nhẫn. Tuổi dậy thì, trẻ thường bị ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách của người lớn, hoặc những người gần gũi, thân thiết với chúng. Nếu thấy cha mẹ hay vội vã, cáu gắt cộc cằn và thiếu bình tĩnh trước mọi việc, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc tính khí trẻ dậy thì luôn thích làm trái ý cha mẹ, đặc biệt khi bạn càng cấm thì trẻ lại càng hứng thú với việc đó. Hãy nhớ rằng chống lại trẻ tuổi mới lớn là chống lại dòng nước lũ. Khi bị lũ cuốn, cách ứng xử khôn ngoan là hãy trôi cùng dòng nước đến khi có thể gặp được chỗ nào đó, có cái gì đó để bám. Cố dẫy dụa, quẫy đạp vừa mất sức, vừa có thể bị lũ cuốn mạnh hơn.
3. Cùng trẻ làm thiện nguyện
Hoạt động xã hội từ thiện sẽ giúp trẻ dậy thì biết cách yêu thương và chia sẻ, và biết trân trọng cuộc sống may mắn của chính mình. Qua những chuyến đi thiện nguyện, trẻ dậy thì sẽ trưởng thành chín chắn hơn. Đề ra những kế hoạch, chương trình tình nguyện và động viên con cái cùng tham gia. Những hoạt động tình nguyện cũng đồng thời là những hoạt động ngoại khóa rất bổ ích nuôi dưỡng tâm hn trẻ dậy thì.
Ví dụ: Cùng trẻ đi trao quà tại các trung tâm bảo trợ Xã hội nhân dịp Trung Thu hoặc lễ tết. Dạy trẻ tiết kiệm, gom lại những đồ dùng học tập, sách truyện, quần áo cũ để ủng hộ. Ví dụ như quyên góp những chiếc áo trắng cũ để giặt mới tặng những trẻ em nghèo khó khăn trong chương trình “Viso- Áo trắng mới, khởi đầu mới”, giúp trẻ em nghèo có thêm điều kiện học tập, thông qua đó, giáo dục trẻ ý thức tiết kiệm, tinh thần tương thân, tương trợ, biết chia sẻ khó khăn với bạn bè cùng trang lứa, cùng động viên nhau học tập và phát triển.
4. Dạy con cách suy nghĩ tích cực
Cách tiếp cận tích cực và có suy nghĩ sẽ rất có ích trong việc thiết lập mối quan hệ thân thiết, tốt đẹp giữa phụ huynh và trẻ. Suy nghĩ tích cực sẽ là công cụ hữu hiệu giúp trẻ phát triển khả năng thích ứng với cuộc sống, dễ dàng vượt qua khó khăn, khủng hoảng lứa tuổi dậy thì.
Ví dụ: Khi trẻ dậy thì làm một việc gì đó có lỗi, thường phụ huynh sẽ có những cách xử trí như sau: Chỉ trích cá nhân: “Mẹ (ba) rất thất vọng về con”, chỉ trích kết quả: “Tại sao con lại làm như vậy? Theo bố (mẹ), con cần làm như này, như này…”. Thay vào đó, sao bạn không nói: “Có lẽ con nên tìm một cách làm khác, chúng ta nên trao đổi để tìm ra cách ứng xử tốt nhất”. Hẳn nhiên, kết quả sau đó sẽ có sự khác biệt rõ ràng hơn nhiều.
5. Tâm sự với con nhiều
Sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì sẽ dễ khiến trẻ bị stress. Điều nên làm khi trẻ rơi vào trạng thái stress bệnh lí là nên chia sẻ với ba mẹ, thầy cô và những người thân, hoặc tìm gặp bác sĩ tâm lý… Tuy nhiên, trẻ lại không tự chủ động điều này mà thường thu mình lại, với những thắc mắc, khó chịu “giấu kín” trong đầu. Hãy giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này bằng những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, nhưng thẳng thắn, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu của cha mẹ dành cho mình. Bố mẹ cần mang đến cho con những lời khuyên, những lý giải kịp thời về điều con trẻ tò mò muốn biết.